- “Muốn đổi mới giáo dục phải đặt yếu tố nhân lực lên trên hết”, “Nếu chưa có giáo viên mà đã thực hiện, chương trình mới sẽ khó thành công”, “Không thể mời một diễn viên hay nghệ nhân đi dạy nếu không có kỹ năng sư phạm”… Đó là ý kiến của giáo viên TP.HCM tại buổi góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều ngày 26/4.
Chưa chuẩn bị kỹ, học sinh sẽ bị làm vật “tế thần”
Góp ý về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Quận Gò Vấp đã nêu ra 10 điều khiến giáo viên băn khoăn.
Giáo viên bàn về dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể |
Đó là, đối với bậc Tiểu học, thời lượng tiết học của lớp 1 và 2 từ 30 - 35 phút, trong khi các lớp 3 – 4 - 5 lại từ 35 - 40 phút thì đánh trống chuyển tiết như thế nào?
Số tiết học trung bình là 30 - 31 tiết/ tuần được áp dụng như thế nào đối với trường học dạy 1 buổi/ ngày?
Dự thảo chương trình đề cập phấn đấu dạy 2 buổi/ ngày, nếu dạy 1 buổi/ngày và cắt các môn giáo dục địa phương, hướng dẫn tự học cũng không thể học hết số tiết đã quy định. Đối với trường dạy 2 buổi/ ngày, nếu dạy tăng cường tiếng Anh, tiếng Anh tích hợp sẽ phải tăng tiết như thế nào?
Đối với bậc THCS, bộ môn Khoa học tự nhiên tích hợp 3 môn Lý - Hoá – Sinh học, là tích hợp ba môn cho một giáo viên dạy hay chia ba môn cho 3 giáo viên dạy?
Nếu tích hợp ba môn cho một giáo viên dạy thì giáo viên được chuẩn bị như thế nào, vì giáo viên dạy môn Lý không thể dạy được môn Sinh, ngược lại dạy Sinh cũng không dạy được môn Lý?
Việc giảm tiết có đi cùng giảm tải nội dung giảng dạy không? Ông Thanh cho rằng nếu giảm tiết nhưng không giảm chương trình sẽ tăng tải và đi ngược với nguyên lý giáo dục hiện nay. Theo dự thảo, tuổi nhỏ lại học nhiều hơn tuổi lớn. Cụ thể, học sinh lớp 5 học 1.181 tiết, học sinh lớp 10 hơn 1.000 tiết/ năm, lớp 11 chỉ có hơn 900 tiết.
Môn học giáo dục địa phương sẽ do ai biên soạn sách giáo khoa?
Sách giáo khoa mới như thế nào? Thay đổi chương trình sách giáo khoa có thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá không? Ông Thanh mong muốn sách giáo khoa phải làm sớm để giáo viên nghiên cứu trước, “không thể vào dạy chương trình mới được xem sách giáo khoa, giáo viên vừa dạy vừa xem”.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định |
Ông Thanh cũng nêu vấn đề giai đoạn nào thực hiện thí điểm chương trình? “Nếu chưa chuẩn bị kỹ nên dời thời gian áp dụng đại trà, nếu không, sẽ lặp lại lịch sử “phá sản” như chương trình phân ban trước đây, học sinh lại phải đưa ra làm vật “tế thần””…
Không đào tạo giáo viên trước, chương trình khó thành công
Hàng loạt những câu hỏi, đề xuất khác cũng đã được giáo viên TP.HCM đặt ra.
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, Quận Bình Thạnh nhận định dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đã có nhiều điểm mới, nhưng vẫn có sự chồng chéo.
"Liệu môn Tin học có nằm trong môn Thế giới công nghệ không? Hoạt động trải nghiệm sáng tạo lâu nay lồng ghép vào trong các môn học, nay tách ra thành môn riêng rất khó cho giáo viên.
Khung chương trình dù đã có nhưng trên thực tế phải xem sách giáo khoa như thế nào, vì đối với môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, giáo viên phải dạy chung cả Kinh tế và Pháp luật hay tách ra người dạy kinh tế, người dạy pháp luật?" - bà Cúc đặt câu hỏi.
Bà Cúc cho rằng, yếu tố quyết định thành công của chương trình là nhân lực, trong đó chủ đạo là giáo viên và học sinh, nhưng một số môn học mới chưa đào tạo giáo viên.
“Nếu thực hiện môn học mới mà chưa có kế hoạch bồi dưỡng cho những giáo viên thực tại, kể cả kế hoạch đào tạo sinh viên mới, sẽ dẫn tới chắp vá. Việc chuyển đổi giáo viên phải được suy nghĩ kỹ, vì không thể có một bộ môn mới mở ra, có quyển sách là giáo viên chỉ đọc và dạy. Phải đầu tư bài bản, chứ không phải cần thì chuyển đổi giáo viên” - bà Cúc nhấn mạnh.
Theo bà Cúc, hiện nay sĩ số lớp học đông, trang thiết bị thiếu thốn, nếu thực hiện đại trà chương trình mới sẽ rất khó khăn...
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM |
Còn bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh thì cho rằng nếu giáo viên không được đào tạo trước thì chương trình sẽ không thành công, giáo viên khó tiếp cận chương trình nếu SGK không có sớm.
Ông Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc Trung tân Giáo dục thường xuyên Chu Văn An thì nêu tình trạng “hiện nay nhiều giáo viên rất lơ mơ khi xem dự thảo thì làm sao thực hiện trong năm 2018?”.
Ông Thanh cũng nhấn mạnh một số môn mới phải có lộ trình đào tạo giáo viên. "Không thể mời một diễn viên hay nghệ nhân đi dạy nếu không có kỹ năng sư phạm được" - ông Thanh khẳng định.
Theo ông Thanh, nên xem lại thời gian thực hiện chương trình vì hiện chưa có lộ trình cụ thể. Bộ GD-ĐT chưa trả lời câu hỏi có thí điểm hay không? thí điểm từng khối lớp hay từng môn học?
Đối với môn học tự chọn, chương trình cho học sinh chọn hay giáo viên chọn. Môn trải nghiệm sáng tạo sẽ dạy cái gì, ai là người dạy?
“Không thể để tình trạng có một môn học mới rồi đưa giáo viên các môn khác sang dạy” – ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở TP.HCM cho biết, trước đây Bộ GD-ĐT cho phép Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam soạn sách giáo khoa riêng, tuy nhiên, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới vừa có ý kiến nếu 63 tỉnh cùng soạn sách giáo khoa là không nên. Vì vậy, Sở vẫn đang chờ chương trình chi tiết của Bộ để phối hợp cùng nhà xuất bản làm sách. Đối với môn học địa phương, thành phố sẽ biên soạn và Bộ GD-ĐT thẩm định. Những nét đặc sắc, những địa điểm đặc trưng riêng của TP.HCM sẽ đưa vào môn học này như Cần Giờ, Củ Chi, Ngã ba Giồng... |
Lê Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét