Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Bài thi trắc nghiệm có làm hỏng tư duy học sinh?

Trước lo lắng về việc sử dụng các bài thi trắc nghiệm sẽ làm thay đổi cách học và dạy khiến học sinh mất kỹ năng tư duy và giao tiếp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định không thể cứ thi thế nào thì dạy thế đó.

Các trường có thể tuyển sinh 2 kỳ trong năm
Thi THPT quốc gia 2017: Có kịp chuẩn bị bài thi tổng hợp?
Công bố toàn văn dự thảo kỳ thi THPT quốc gia 2017
Thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra 2 ngày trong tháng 6
Toàn văn dự thảo phương án thi THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017

Tiếp tục đổi mới để đảm bảo nghiêm túc

- Thưa ông, vì sao năm nay Bộ GD-ĐT lại tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua đã được xây dựng trên một lộ trình cẩn thận và khoa học.

Năm 2015, lần đầu tiên đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì trong cả nước để xét tuyển ĐH, CĐ.

Năm 2016, Bộ đã để các trường ĐH chủ trì các cụm ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước phục vụ xét tuyển ĐH, CĐ.

Thi THPT 2017, phương án tuyển sinh 2017, Thứ trưởng Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được đánh giá thành công, thuận lợi và nhẹ nhàng với thí sinh, tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần phải điều chỉnh.

Chẳng hạn, có dư luận băn khoăn về tính khách quan của việc tổ chức 2 cụm thi (cụm tốt nghiệp và cụm đại học). Số ngày thi quá nhiều, thi tới 4 ngày, 8 môn, gây khó khăn trong công tác tổ chức. Việc ứng dụng CNTT chưa triệt để. Đề thi chưa thực sự đảm bảo tính khách quan đối với thí sinh. Công tác chấm thi với bài thi tự luận cũng chưa đảm bảo công bằng…

Vì vậy, Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức kỳ thi năm 2016 để đảm bảo tính nghiêm túc và độ tin cậy, tạo niềm tin cho xã hội cũng như các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để tuyển sinh.

- Vậy hướng đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm 2017 sẽ như thế nào thưa ông?

- Năm nay chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện những kết quả đã đạt được của kỳ thi THPT 2016. Cái gì tốt của kỳ thi năm 2016 sẽ được phát huy. Ví dụ năm ngoái chúng ta tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước rất tốt thì năm nay phát huy. Các Sở GD-ĐT năm ngoái đã làm rất tốt thì năm nay chúng ta giao cho Sở chủ trì các cụm thi, các trường ĐH, CĐ chỉ về kiểm tra, giám sát chất lượng.

Năm ngoái phát hiện đề thi khó đảm bảo tính công bằng thì năm nay sẽ tổ chức thi trắc nghiệm. Mỗi thí sinh có một mã đề thi khác nhau để không thể nào quay cóp được. Việc chấm bài sẽ thực hiện trên máy để đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc và độ tin cậy để các trường có thể tin tưởng sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Năm 2017, Bộ sẽ cho phép các thí sinh sẽ được đăng ký nhiều trường hơn để đảm bảo quyền lợi thí sinh cao hơn nữa, do đó, lượng ảo sẽ lớn. Vì vậy, năm nay, Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường lọc thí sinh ảo, giảm khó khăn phát sinh trong năm nay.

Không phải thi thế nào thì dạy thế đó

- Với 4 bài thi trắc nghiệm trong tổng số 5 bài thi (trừ môn Ngữ văn) trong đó có 2 môn tổ hợp là môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, để đảm bảo mỗi thí sinh trong một phòng có một mã đề khác nhau thì ngân hàng câu hỏi phải rất lớn. Xin ông cho biết, Bộ sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi này như thế nào và bao giờ Bộ sẽ công mẫu bố đề thi minh họa?

- Trong những năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các trường tổ chức tuyển sinh riêng theo phương pháp mới để từ đó Bộ có thể rút kinh nghiệm. ĐHQG Hà Nội là một trong những trường như vậy. Trong những năm qua, ĐH GQ Hà Nội xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn theo phương thức đánh giá năng lực. Hiện nay, Bộ tiếp quản và tiếp tục cập nhật ngân hàng đề thi đó để mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm riêng, đảm bảo tính nghiêm túc.

Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang thành lập một tổ biên soạn ngân hàng đề thi để bổ sung cho ngân hàng đề thi của ĐHQG Hà Nội. Dự kiến đến tháng 5 năm sau sẽ hoàn thiện xong ngân hàng đề thi dùng cho kỳ thi THPT quốc gia với khoảng từ 15-17 ngàn câu hỏi. Từ số lượng câu hỏi này sẽ tổ hợp thành các đề thi để đảm bảo mỗi thí sinh trong một phòng thi có một đề thi trắc nghiệm.

Từ nay tới đầu tháng 10, Bộ GD-ĐT cũng sẽ ban hành đề thi minh họa để thí sinh hình dung cấu trúc đề thi để chuẩn bị ôn tập. Bộ cũng yêu cầu các trường có kiểm tra năng lực thêm đối với thí sinh thì các trường đó cũng phải công bố đề thi của họ để thí sinh có thể ôn tập. Bộ sẽ làm rất rõ ràng công khai, minh bạch và hỗ trợ tối đa thí sinh.

- Đã có lo lắng rằng nếu chuyển hoàn toàn sang hình thức thi trắc nghiệm, học sinh và giáo viên sẽ dạy và học để luyện thi trắc nghiệm, từ đó ảnh hưởng tới kỹ năng tư duy và giao tiếp của học sinh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Vấn đề là nội dung và kỹ năng mà nhà trường trang bị cho học sinh chứ không nằm ở phương thức thi. Thi chỉ là giải pháp kỹ thuật để đánh giá kiến thức và năng lực của học sinh. Không phải cứ thi thế nào thì dạy theo cái đó.

Chẳng hạn như nhiều năm qua, nhiều học sinh các trường trong nước đi thi ở các trường quốc tế, trường tốp cao vẫn đậu dù phương thức thi rất đa dạng mà các em chưa từng được tập dượt ở trường. Điều đó có nghĩa là nếu học sinh nắm vững kiến thức trong chương trình đào tạo thì thi phương thức nào cũng làm tốt.

Vì vậy, nhà trường phải dạy kiến thức và kỹ năng, cách tư duy cho học sinh. Đó là điều quan trọng nhất. Một khi trang bị tốt kiến thức thì dù là thi trắc nghiệm hay tự luận học sinh đều có thể làm tốt. Không thể vì thi cái này mà chương trình sẽ thay đổi thế nọ thế kia. Quan trọng nhất với nhà trường và giáo viên là làm sao dạy để đạt được mục tiêu của giáo dục.

Thay đổi năm nay không lớn

Ông sẽ giải thích như thế nào trước ý kiến cho rằng việc thay đổi cách thức thi và môn thi cần có thời gian để thí sinh chuẩn bị, thay đổi ngay trong năm nay sẽ quá gấp gáp cho thí sinh và các trường?

- Việc đổi mới kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ không thể thay đổi ngay trong một năm mà cần có lộ trình để thí sinh không bị sốc. Để thay đổi như năm nay Bộ GD-ĐT đã có sự chuẩn bị từ 3 năm trước rồi chứ không phải tới năm nay thì mới thay đổi đột ngột.

Chẳng hạn, việc dùng tổ hợp xét tuyển. Năm 2015, Bộ GD-ĐT quy định các trường phải xét tuyển 75% với các khối thi truyền thống. Năm 2016 vừa rồi là 50% và năm tới là 25%. Điều đó có nghĩa là các thí sinh đã có 3 năm chuẩn bị để khối thi xét tuyển của mình.

Còn việc có 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì không phải là thay đổi gì lớn cả. Một số người nhầm lẫn bài thi tổ hợp với bài thi tích hợp. Tôi khẳng định lại là đề thi năm 2017 là đề thi tổ hợp, gồm các môn riêng rẽ ghép lại chứ không phải tích hợp.

Do đó, các thí sinh có thể yên tâm không có sự thay đổi lớn nào cả. Nếu có sự thay đổi lớn, Bộ sẽ thông báo sớm để học sinh chuẩn bị và các trường thay đổi. Còn đây chỉ là những thay đổi mang tính chất kỹ thuật để kỳ thi nhẹ nhàng hơn, thuận lợi hơn cho thí sinh.

- Phương án thi THPT quốc gia năm nay chủ yếu dựa vào phương án kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Bộ đã có khảo sát độc lập nào về mức độ tin cậy của ngân hàng đề thi cũng như hiệu quả của phương án này?

- Phương án kỳ thi THPT quốc gia năm nay dựa vào kết quả của kỳ thi năm 2016 đã thành công. Về đề thi trắc nghiệm đã được áp dụng ở ĐHQG Hà Nội 3 năm qua với hàng trăm ngàn thí sinh đã tham gia thi và đánh giá.

ĐHQG Hà Nội đã so sánh kết quả đánh giá năng lực với kết quả thi THPT và thấy rằng, những em đạt kết quả cao ở kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội cũng đạt kết quả tốt ở kỳ thi THPT quốc gia. So sánh tương thích như vậy thấy rằng đề thi của ĐHQG Hà Nội đã được kiểm nghiệm trong thực tế.

Trước đây, Bộ giao cho ĐHQG Hà Nội tổ chức xét tuyển riêng là cũng muốn nhân rộng mô hình khi nó thành công. Hiện nay chúng ta có thể vững tâm rằng phương thức thi này có thể áp dụng đại trà được.

  • Lê Văn - Thanh Hùng (Thực hiện)

Thi trắc nghiệm là một phát kiến lớn của nhân loại, bởi nó có tính tiết kiệm thời gian, khách quan (máy không biết thành kiến hay thiên vị), và đồng nhất.

Ở một mức độ nào đó, kiểu thi trắc nghiệm cũng được đưa vào hệ thống giáo dục với mức độ thành công nhất định trên thế giới. Hai trong số những cuộc thi trắc nghiệm nổi tiếng nhất là SAT (kiểm tra kiến thức phổ thông) và TOEFL (kiểm tra trình độ tiếng Anh cho người nước ngoài).

Trong tình hình Việt Nam hiện tại, nếu áp dụng cho môn toán, có những điểm bất cập như dễ gian lận, khuyến khích học vẹt và hời hợt; khó phát triển tư duy độc lập và sâu sắc....

Tôi có cô con gái học phổ thông thuộc loại giỏi bên Pháp, thi tốt nghiệp phổ thông đạt điểm trung bình 19,39 trên 20. Có lúc, con gái muốn du học ở Mỹ nên đồng thời cũng thi SAT, được hơn 2.000 điểm trên 2.400 (tương đương với khoảng 17/20), là điểm khá nhưng so với năng lực hay điểm thi theo hệ thống Pháp của cháu thì kém xa.

Tôi cũng có thử làm mấy bài thi thử SAT về toán. Trung bình mỗi bài chỉ được làm trong có hơn 1 phút, hay chính xác hơn là khoảng 72 giây, kể cả thời gian đọc đề và điền lời giải. Đối với tôi, mọi kiến thức bậc phổ thông đều là hiển nhiên, mà làm các bài đó cũng gần suýt soát hết thời gian, thì học sinh phổ thông làm sao xuể trong thời gian ngắn như vậy, trừ khi luyện giải như cái máy. Hơn nữa, 1 phút thì làm gì có thời gian cho việc suy nghĩ sâu. Điều này trái ngược lại hoàn toàn với một trong các mục đích chính của việc học toán, là rèn luyện tư duy (kỹ năng) phân tích chiến lược, sâu sắc.

Tôi không phản đối bản thân ý tưởng thi trắc nghiệm nếu dùng đúng nơi, đúng chỗ, có chuẩn bị tốt. Nhưng tình hình thi trắc nghiệm ở bậc phổ thông của Việt Nam thì không khỏi lo ngại.

GS Toán học Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulous, Pháp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét